Gia đình là tế bào của xã hội, nơi con người sinh ra và lớn lên, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức; là môi trường giáo dục đầu tiên và có tầm quan trọng quyết định việc hình thành nhân cách của con người. Giáo dục nhà trường, xã hội là những môi trường giáo dục rất quan trọng, song vai trò của nó chỉ có thể được phát huy một cách có hiệu quả khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở. Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, xã hội có nhiều đổi thay nhưng giáo dục gia đình vẫn được các bậc cha mẹ chú ý, quan tâm, những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình, của dân tộc vẫn tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Các gia đình cần xác định 05 nội dung giáo dục chủ yếu sau:
Giáo dục văn hóa gia đình: Giáo dục văn hóa trong gia đình là giáo dục đạo đức văn hóa truyền thống của dân tộc, lối sống lành mạnh để hình thành, bồi dưỡng cho các thành viên trong gia đình, dòng họ các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc, trân trọng phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết yêu thương mọi người, biết kính trọng người cao tuổi, lễ độ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thầy cô, họ hàng, bạn bè và những người xung quanh. Biết quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Giáo dục các đức tính trung thực, thật thà, tự tin, khiêm tốn, có ý thức tự lập không ỷ lại vào người khác. Biết tôn trọng mọi người, không coi thường phụ nữ, biết nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc. Tiết kiệm, giản dị trong cuộc sống. Tôn trọng pháp luật và những nội quy, quy định nơi công cộng và của gia đình. Có niềm tự hào và trách nhiệm bồi đắp, nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ.
Giáo dục trí tuệ: Giáo dục gia đình là một yếu tố rất quan trọng góp phần vào việc phát triển trí tuệ của trẻ em, bổ sung kiến thức cho người lớn. Gia đình cần quan tâm đến việc học tập của con cháu; cần tạo điều kiện tối thiểu để con cháu học tập như: nơi học yên tĩnh, đủ ánh sáng, có bàn ghế ngồi học. Không bật đài, tivi, không nói chuyện to khi con cháu học bài. Thường xuyên thảo luận cung cấp, bổ sung những kiến thức cho con cái và cho tất cả các thành viên trong gia đình. Gia đình thường xuyên giáo dục về bình đẳng giới; sức khỏe sinh sản, giới tính… giúp con cháu có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống để tránh cho con cháu không mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết. Giáo dục con cái về pháp luật, các kỹ năng sống để con cái biết tự bảo vệ mình, không sa vào các tệ nạn xã hội. Động viên và tạo điều kiện cho các thành viên tham gia vào các hoạt động xã hội, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, sáng tạo về các lĩnh vực khác nhau.
Ông dạy cháu ôn bài
Giáo dục thể chất: Giáo dục sức khỏe, không ngừng nâng cao thể lực cho các thành viên trong gia đình là điều rất quan trọng. Hình thành thói quen tập thể dục, thể thao cho mỗi thành viên, trước hết cha mẹ phải làm gương trong gia đình. Hướng dẫn và tổ chức cho các thành viên trong gia đình biết giữ gìn và nâng cao sức khỏe bằng cách ăn uống theo khoa học, giữ vệ sinh cá nhân, nghỉ ngơi hợp lý. Tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và môi trường xung quanh ở khu dân cư.
Giáo dục lao động: Nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về lao động, coi lao động là con đường tốt nhất để xây dựng gia đình phát triển bền vững. Vợ chồng, con cái đều phải tham gia lao động, làm việc nhà, phát triển kinh tế tùy theo sức khỏe, điều kiện của mỗi người. Khuyến khích, hướng dẫn con cái biết giúp đỡ cha mẹ, ông bà. Nhận biết khả năng, sở thích của con cái để có sự hướng nghiệp đúng đắn cho con cái.
Giáo dục sức khỏe sinh sản: Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và nam giới. Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên và tiền hôn nhân.
Để thực hiện tốt 05 nội dung trên, gia đình nên áp dụng các phương pháp giáo dục gia đình như sau: Thông qua nêu gương điển hình (tốt và chưa tốt) ở các gia đình khác cũng như ngoài xã hội để giáo dục con cái, hướng mọi người làm việc tốt. Động viên kịp thời bất kỳ thành viên nào trong gia đình khi có hoạt động thành công, việc làm tốt, dù đó là việc nhỏ và cũng nhắc nhở ngay khi có những biểu hiện không đúng. Khen thưởng, phê bình đúng lúc và thích hợp, không phân biệt đó là con trai hay con gái. Bố mẹ cần thường xuyên tham gia họp đầy đủ các buổi họp phụ huynh do nhà trường tổ chức, thường xuyên kiểm tra sách vở của con cái, kiểm tra sổ liên lạc, định kỳ trao đổi thông tin với giáo viên để nắm bắt tình hình học tập của con cái. Giáo dục con cháu thông qua tranh ảnh, sách báo, phim ảnh, tài liệu nhằm mở rộng kiến thức tăng cường kỹ năng cho con. Trò chuyện, đối thoại với con cái một cách dân chủ và công bằng. Bố mẹ cần trao đổi với con cái, chia sẻ với con cái những nội dung thầm kín riêng tư. Hỗ trợ cho con giải quyết những khó khăn, thất bại gặp phải trong học tập, sinh hoạt. Giáo dục trong gia đình cần thường xuyên, liên tục và thực hiện giáo dục ngay từ thuở ban đầu. Trong giáo dục, ông bà, cha mẹ cần cởi mở với con cháu, không áp đặt ra lệnh, không nuông chiều nhưng cũng không đánh đập, chửi mắng, sỉ vả con. Tuyệt đối không chê bai con, so sánh con, nhất là trước mặt người khác./.
Nguồn tin: Sưu tầm